Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Hoạt hình Việt Nam thiếu vắng người làm phim trẻ

  • Gần 60 phim hoạt hình VN chiếu trong mùa phim hè
  • Quá khó để gọi thành tên nền hoạt hình Việt Nam

Khi ngành đồ họa 3D được đưa vào các trường đại học, giới trẻ được tiếp xúc với công nghệ làm phim hoạt hình hoàn toàn mới tại Việt Nam. Tháng 5/2011, phim hoạt hình 3D Dưới bóng cây của nhóm Colory Animation xuất hiện trên mạng và đạt hơn một triệu lượt người xem, tạo đà cho một trào lưu làm phim truyện hoạt hình trong giới trẻ.

Dưới bóng cây là câu chuyện giản dị về cuộc sống của 4 nhân vật: chuột, rắn, ếch và cua (xem phim). Phim khiến người xem đi từ ngạc nhiên đến thích thú bởi họ được thấy một phim hoạt hình rất Việt Nam trong bối cảnh, lời thoại và nhân vật được đồ họa bằng kỹ thuật 3D theo chuẩn Hollywood. Sau Dưới bóng cây, Colory Animation tiếp tục ra mắt Hột vịt lộn, cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Nổi tiếng không kém Colory là nhóm Bambo Animation với phim Chiếc cầu xoay. Phim kể về một chú thỏ kênh kiệu hay chọc phá người khác, đến khi chú gặp nạn với chính trò chọc phá của mình, những nạn nhân trước đó lại ra tay cứu giúp (xem phim). Phim không chỉ sinh động, tươi mới trong cách tạo hình mà còn khéo léo trong cách truyền đi những thông điệp nhân văn. Sau thành công của Chiếc cầu xoay, Bambo còn tung ra series phim Sự tích bánh chưng bánh dày, Dưới đáy đại dương.

ImageView555-jpeg-3515-1406622510.jpg

Cảnh trong phim "Dưới bóng cây".

Trong hai năm 2011 - 2012, phim truyện hoạt hình 3D "made in Việt Nam" còn ghi dấu với Cô bé bán diêm của Đoàn Gia film, Chuyện hai chiếc bình của Areka, Bay của Smile A-D, Đại chiến Bạch Đằng (được làm bởi nhóm sinh viên Đại học Quốc tế Hồng Bàng). Dù chỉ là phim tốt nghiệp, Đại chiến Bạch Đằng được giới chuyên môn và báo chí đánh giá cao ở cách chọn đề tài và tạo hình nhân vật (xem phim).

Đạo diễn Lương Công Ánh thuộc Hãng phim hoạt hình Trung ương những năm đó đã hồ hởi khoe với báo chí: "Phim hoạt hình Việt Nam đang thực sự khởi sắc trở lại sau nhiều năm không tạo được dấu ấn. Một lực lượng trẻ sở hữu những ý tưởng hồn nhiên, hiểu biết về công nghệ đã hào hứng nhảy vào địa hạt làm phim vốn rất kén người này. Tôi hy vọng trẻ em Việt Nam những năm tới sẽ thỏa thích xem những bộ phim hoạt hình "made in Việt Nam"".

Nhưng ngay sau thành công bước đầu, các nhóm làm phim trẻ không trình làng thêm bất kỳ sản phẩm nào.

Colory Animation chuyển sang làm các video thương mại, quảng cáo. Gần hai năm nay, khán giả không được xem thêm sản phẩm chung nào của cả nhóm. Bambo Animation tuy có bền bỉ hơn với hai dự án Sự tích bánh chưng bánh dàyDưới đáy đại đương, sau đó cũng im lặng một thời gian dài. Mới đây thành viên Long Phạm tung lên mạng hàng loạt video thương mại là những TVC quảng cáo của nhóm.

Kể từ sau tiếng vang của Đại chiến Bạch Đằng, nhóm sinh viên Đại học Hồng Bàng cũng không gây được chú ý với tác phẩm mới nào. Mỗi người trong nhóm chọn cho mình một hướng đi riêng. Dấu ấn của Đại chiến Bạch Đằng dường như chỉ là cuộc dạo chơi với dòng phim hoạt hình.

ImageView777-jpeg-8227-1406622510.jpg

Nhóm làm phim "Đại chiến Bạch Đằng" của Đại học Hồng Bàng.

Từ 2013 trở lại đây, phim hoạt hình do giới trẻ thực hiện ngày càng thưa vắng trên mạng xã hội. Ngoại trừ Ngoại xuân chiến quốc (nhóm Ngược Dòng - Đại học Hồng Bàng) được đón nhận với hơn 80 nghìn lượt người xem, các phim tốt nghiệp của sinh viên ngành đồ họa được đưa lên Youtube như Không giới hạn (nhóm Nam Huỳnh), Sinh viên đánh giày của KIMI media, mới đây nhất là Tom the Pigs (đồng tác giả Ngọc Tú - Văn Sinh)... đều không được đón nhận rộng rãi.

Đoàn Trần Anh Tuấn, trưởng nhóm Colory Animation lý giải về sự thưa vắng các phim hoạt hình thời gian qua: "Do kinh phí không đầy đủ nên chúng tôi không thể đầu tư được trang thiết bị như mong muốn. Kỹ thuật cũng là một hạn chế vì chúng tôi chưa có điều kiện học hỏi nhiều. Nhớm rất lúng túng trong chuyện giải quyết kỹ thuật 3D để cho ra đời những bộ phim hay".

Thành viên một nhóm làm phim chia sẻ, thời gian cho ra đời một bộ phim truyện hoạt hình chất lượng, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, thường mất đến vài tháng. Nhân lực cho công việc cần từ 5 đến 10 người. Như vậy, để có phim hoạt hình công chiếu liên tục, ít nhất phải có 10-15 nhóm làm phim, luân phiên nhau sản xuất.

Họa sĩ Cù Hồng Sơn cho biết, kinh phí sản xuất một phim hoạt hình 10 phút lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, muốn cập nhật những thiết bị mới nhất, công nghệ 3D tiên tiến nhất, người đầu tư cần phải có tiền tỷ. Trong điều kiện tối thiểu nhất cũng phải mất khoảng 100-200 triệu đồng để hoàn thành một phim truyện hoạt hình 3D dài 5-7 phút.

"Mặc dù phim truyện hoạt hình "made in Việt Nam" luôn trong tình trạng cung thấp hơn cầu, không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm bỏ tiền tỷ để làm, bởi rủi ro rất lớn. Do đó, các cử nhân chuyên ngành đồ họa 3D thường nhận làm gia công cho các phim hoạt hình nước ngoài, làm các video ca nhạc, giáo dục, quảng cáo… để có điều kiện theo đuổi đam mê lâu dài", họa sĩ Hồng Sơn nói.

Đối diện với con đường dài và đích đến còn rất xa, Đoàn Trần Anh Tuấn cho biết anh nhìn thấy lối ra ở phim truyện hoạt hình thuần Việt, nhưng chưa thể mạo hiểm đầu tư. "Chúng tôi phải hoàn thiện khả năng sản xuất ít nhất trong hai năm nữa. Mọi thứ sẽ rất phức tạp vì mình phải ứng dụng kỹ thuật phù hợp với quy mô sản xuất và cân đong trong bài toán đầu tư", Anh Tuấn nói.

Châu Mỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét