Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

"Chí Phèo" Bùi Cường - người thắp lửa trái tim cho số phận nhân vật

Bát cháo hành của Thị Nở dành cho Chí Phèo, đã giúp anh tìm lại con người của chính mình. Bát cháo hành của Thị Nở dành cho Chí Phèo, đã giúp anh tìm lại con người của chính mình.

Rất nhiều người yêu mến điện ảnh Việt Nam hỏi về "anh Chí" trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" bây giờ ra sao? Thật không ngờ mấy chục năm qua đi cùng bao sự biến đổi thăng trầm của cuộc sống, người ta vẫn háo hức khi nhắc đến Thị Nở và Chí Phèo. Và cũng thật thú vị rằng, cuộc đời của những diễn viên "may mắn" được thể hiện hình tượng hai nhân vật nổi tiếng ấy cũng bắt đầu với nhiều khúc ngoặt như là định mệnh. NSƯT Bùi Cường, người từng hóa thân vào nhân vật Chí Phèo trong tiểu thuyết của nhà văn Nam Cao nay lại trở thành nhân vật trong bài viết dưới đây của chúng tôi, một nhân vật đầy cá tính và bản lĩnh.

Nếu như không được giới báo chí thường xuyên nhắc đến cái tên NSƯT Bùi Cường thì anh gần như là mất hẳn cái tên cha sinh, mẹ đẻ đẹp đẽ ấy để cõng cái mác Chí Phèo suốt cuộc đời mất. Ngay cả những bạn bè đồng nghiệp trong làng điện ảnh cũng quen gọi anh là "chàng Chí". Thậm chí, khi Bùi Cường cả gan bỏ tiền túi ra làm bộ phim hài "Người hùng râu quặp" nổi tiếng ăn khách nhất đầu những năm 80 hay những bộ phim tiếp theo "Kẻ cướp cô dâu", "Chuyện tình ngôi sao" thì người ta vẫn cứ kháo nhau "Đã xem phim của anh Chí chưa?". Mà kể cũng lạ, ngoài đời hễ cứ ai bắt gặp kẻ uống rượu say, gây sự càn trên đường phố, người ta lại tặc lưỡi "Rõ là đồ Chí Phèo", thế mà Bùi Cường lại cảm thấy sung sướng và hạnh phúc khi được người ta gọi mình bằng cái tên ấy. Trên gương mặt mà tuổi già chưa đến nhưng đã hằn lên những nếp nhăn, dấu ấn của một thời lao tâm khổ tứ, đạo diễn Bùi Cường khẽ thốt lên: "Cái anh Chí say ấy thế mà đáng yêu lắm, hắn đã khiến tôi lớn thêm rất nhiều".

Đạo diễn Bùi Cường đang chỉ đạo diễn xuất với các diễn viên

Khác với người bạn diễn Đức Lưu, Bùi Cường lớn lên thiếu vắng tình cảm của người cha. Cha anh là cảm tử quân bảo vệ thành Hà Nội, hy sinh trong một lần ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch. Anh chỉ hình dung hình ảnh cha mình qua những bức ảnh và những lời kể của mẹ. Và chàng trai đất Hà Tây ấy tự đi trên đôi chân của mình, bước qua những bước trồi thụt của cuộc sống thời chiến tranh, trở thành công nhân trước khi thành diễn viên điện ảnh. Nhân vật Chí Phèo mà Bùi Cường hóa thân chất chứa cái vốn sống sau bao năm làm công nhân Nhà máy điện cộng hưởng cùng cảm xúc về một nhân vật đã theo anh suốt tuổi học trò.

Tình yêu với môn nghệ thuật thứ bảy mãnh liệt đến mức anh đã vượt qua mọi sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình bởi "theo cái ngành chẳng thấy tương lai" để thi vào lớp diễn viên khóa 2 của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Lúc ấy anh đã bước sang tuổi 25. Vai diễn đầu tiên sau ngày ra trường với tấm bằng đỏ là vai một tên gián điệp trong phim "Mưa rơi trên thành phố". Nhưng phải đợi đến vai Chí Phèo thì bao nhiêu tình cảm say mê với điện ảnh và kiến thức học hành trong trường đại học của anh mới được bộc bạch, anh đã diễn như đang thuật lại chính cuộc đời mình. Ngày biết mình được chọn đóng vai này, anh vừa mừng vừa lo. Mừng vì được đóng một nhân vật có tính cách, có số phận; lo vì nhân vật này đã quá quen thuộc trong tâm thức của nhiều người. Mỗi người đều tưởng tượng ra hình ảnh một Chí Phèo theo cách cảm của riêng mình. Đấy chính là cái khó khăn nhất đối với Bùi Cường khi thể hiện một Chí Phèo bằng xương, bằng thịt, một Chí Phèo với những trận say, những trận chửi, những trận vạch mặt ăn vạ.

Trăn trở ấy đã ám ảnh anh hàng tháng trời trước khi bấm máy. Và Bùi Cường cũng luôn đau đáu một Chí Phèo của riêng mình, không chỉ là một thằng xay xỉn, bất cần đời mà còn có những khoảng lặng rất đời, rất người. Một nhân vật có diễn biến tình cảm phức tạp như Chí Phèo càng tạo cho anh cảm giác say mê đến kỳ lạ. Bùi Cường tâm sự: "Chưa bao giờ tôi mất nhiều thời gian và công sức như với nhân vật này. Nếu không có cái nhìn tinh tế và sự đồng cảm với nhân vật sẽ dựng lên một Chí Phèo méo mó, quái gở và phản cảm". Và khi bước vào giờ phút quyết định, anh đã diễn một cách tự tin đến mức đạo diễn Phạm Văn Khoa phải thường xuyên thay đổi ý tưởng ban đầu vì những sáng kiến hợp tình, hợp lý của anh.

Đạo diễn Bùi Cường (người ngồi giữa) đang làm việc với Nghệ sĩ Phạm Bằng và Trợ lý đạo diễn

Nhiều người xem phim đã rơi nước mắt khi bắt gặp cảnh Chí Phèo nghêu ngao hát. Một câu hát vu vơ mà Bùi Cường từng được nghe bà vú nuôi hát ru từ thưở nhỏ: "Tính tính tang tang, anh đang đãi tép, anh thấy cô mình đẹp, anh đổ tép đi, anh thấy cô mình đi, anh xúc tép lại" tạo cho Chí Phèo một sinh khí mới, như một vệt sáng lấp lánh của phần tâm hồn chưa bị tha hóa. Cái tố chất của một đạo diễn luôn lấp ló trong anh diễn viên Bùi Cường thì phải, những chi tiết nhấn nhá trong phim luôn được anh tinh tế nhận ra và bàn bạc cùng đạo diễn. Bây giờ gặp Bùi Cường sau bảng danh sách dài dằng dặc những bộ phim truyền hình và phim nhựa do anh làm đạo diễn với "Vị tướng tình báo và hai bà vợ", "Khi con tu hú gọi bầy", "Thiên đường ở trên cao", "Áp thấp nhiệt đới", "Mái trường yên tĩnh" hay "Người đàn bà không con"… tôi không thể tin tưởng rằng một con người có cái vẻ ngoài đĩnh đạc, trầm ngâm như anh lại có thể quậy tưng bừng như

Chí Phèo trong phim đến thế. Đạo diễn Bùi Cường cho biết: "Tôi đã nghiên cứu kiểu cười của Chí Phèo rồi tưởng tượng ra tiếng cười ấy giống như được phát ra từ một con chó bị hóc xương, bị dồn đẩy đến chân tường, cứ ằng ặc, nghèn nghẹn trong cổ. Nó vừa có nét hoang dại vừa có cái dằn vặt, uất hận, vừa là nỗi đau ẩn khuất trong tâm hồn". Tôi mạnh dạn hỏi anh nếu như bây giờ được đóng lại vai Chí Phèo, anh có đóng khác không? Vầng trán đầy suy tư của Bùi Cường nhăn lại: "Chắc chẳng thể đóng khác hơn được nữa. Có khác thì chỉ là thêm sự từng trải, tư duy già dặn hơn thôi. Còn Chí Phèo thời đó đã lấy toàn bộ tâm huyết, cùng cái hồn nhiên, hăng hái tuổi trẻ của tôi rồi". Chẳng thế mà thời ấy, sau buổi chiếu phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", một cô giáo dạy văn đã xúc động chạy tới ôm chầm lấy Bùi Cường: "Cám ơn anh đã thể hiện đúng như những gì tôi hình dung về Chí Phèo để giảng bài cho học sinh".

Chí Phèo - Thị Nở của làng Vũ Đại

Hình như đối với điện ảnh, Bùi Cường luôn đặt ra một yêu cầu khắt khe. Anh luôn coi điện ảnh là cuộc chiến, nếu người nghệ sĩ không tự đốt cháy mình thì khó có thể bắt nhịp được sự rung động của mọi người. Và trong cuộc chiến ấy, có thể thấy anh là người lính chiến dũng cảm. Đã có lần, anh dốc toàn bộ vốn liếng của bao nhiêu năm hai vợ chồng tích cóp, thế chấp nhà để hùn vốn làm phim giữa lúc điện ảnh đang bị truyền hình lấn lướt và ngay cả trong sự hồ nghi của một số người.

Niềm đam mê đã giúp anh thêm một lần dũng cảm dấn thân vào con đường trở thành đạo diễn. Cái khí chất tự lập ngay từ thưở thiếu thời, cùng cái vốn sống, vốn nghề sau nhiều năm tự bước đi bằng đôi chân của mình lại giúp anh tự mày mò, tự học để thể hiện ý tưởng của mình trên những thước phim ngồn ngộn tư liệu cuộc sống. Gần đây, bộ phim truyền hình "Vị tướng tình báo và hai bà vợ" (Phim đoạt giải huy chương vàng) của anh đã tạo được làn sóng dư luận. Nhiều vị tướng, tá trong Quân đội cũng như Công an khi xem xong đã khóc và thân tình nói với Bùi Cường rằng: "Người thân của tôi mất, tôi còn không khóc nhưng tôi lại khóc khi xem phim của anh".

Bùi Cường trân trọng những ý kiến đánh giá phim của mình như một sự kiểm nghiệm cho quan điểm làm phim cố gắng tạo ra một góc nhìn đẹp về người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Cũng như sau này anh làm bộ phim về "Người đàn bà không con" (đoạt giải A phim truyện nhựa), khắc họa nỗi đau thời hậu chiến của một nữ thanh niên xung phong vật lộn với khát khao làm mẹ. Rồi đến phim "5 ngày trong đời vị tướng" đoạt giải của Bộ quốc phòng và được chọn chiếu chào mừng Đại hội Đảng X. Tất cả những nhân vật của anh dù chính diện hay phản diện đều có cuộc sống nội tâm khá phong phú, những bối cảnh để nhân vật xuất hiện bao giờ cũng được anh chuẩn bị chu đáo để người xem có thể cảm nhận, hình dung đời sống thực của nhân vật.

Gặp lại đạo diễn Bùi Cường, anh cứ nhắc đi nhắc lại với tôi rằng: "Người làm nghệ thuật chỉ có thể tồn tại được phải có niềm say mê đến cùng cực, phải biết tự đốt cháy mình". Trong bối cảnh hiện nay, những người có tâm huyết với điện ảnh Việt Nam đều có cơ hội thể hiện mình. Có lẽ vì thế mặc dù tuổi cao song Bùi Cường vẫn mải mê làm phim và đang cùng các đồng nghiệp tiếp tục thể hiện niềm đam mê của mình cho những bộ phim truyền hình dài tập phục vụ độc giả.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét