Phóng viên: Ngạc nhiên chưa, Lê Hoàng viết tiểu thuyết! Nhiều người bất ngờ vì lâu nay chỉ thấy anh dành hết thời gian ngồi ghế nóng các chương trình truyền hình thực tế. Vậy anh viết tiểu thuyết lúc nào?
- Đạo diễn Lê Hoàng: Đúng là tôi đang viết truyện. Tôi đóng cửa sổ, đóng cửa chính, đóng cả cửa sau vì sợ ai nhìn thấy họ cười cho thì nhục chết. Đối với họ, Lê Hoàng viết tiểu thuyết chắc cũng kỳ quái như Lê Hoàng cử tạ. Và tôi đã viết xong. Lạy trời, lạy Phật!
Anh có nghĩ rằng việc anh sắp ra mắt tiểu thuyết là một tin sốc?
- Sốc ư? Lê Hoàng có cố gắng đến mấy cũng không thể sốc bằng Lệ Rơi được.
Người ta không hiểu một đạo diễn điện ảnh, một giám khảo ham ngồi ghế nóng, một cây bút luôn tuôn ra những bài viết cay nghiệt như Lê Hoàng mà đi viết tiểu thuyết cho tuổi mới lớn thì sẽ viết cái gì, viết như thế nào đây?
- Theo lẽ tự nhiên của cuộc sống, một đạo diễn viết truyện sẽ viết về diễn viên, viết về khán giả hay viết về các đạo diễn khác hoặc viết về hội đồng duyệt phim. Nhưng tôi không có các khả năng cao quý đó. Tôi viết truyện thiếu nhi, truyện dành cho tuổi teen. Teen nguyên chất. Teen chính cống. Teen 17 tuổi. Teen… tẻn tèn ten. Còn tôi viết như thế nào ấy à? Tôi cố gắng như một "kute".
Đạo diễn Lê Hoàng Ảnh: Minh Nga
Tại sao một Lê Hoàng... già khụ lại đi viết truyện teen mà không phải là tiểu thuyết ngôn tình chẳng hạn?
- Lê Hoàng chưa bao giờ già khụ mà chỉ tưởng mình trẻ một cách ngây thơ và cuồng dại. Còn truyện ngôn tình, tôi biết mình không địch nổi với Trung Quốc đâu. Bên đấy có triệu triệu nhà văn "quằn quại" kiểu đó một cách lành nghề. Tôi có cảm giác các nhà văn ngôn tình, ở đâu cũng vậy, hình như cơm ăn áo mặc cứ như từ trên trời rơi xuống, cho nên họ chỉ có mỗi việc yêu hoặc chạy trốn khỏi tình yêu. Xem những sách ấy, đôi khi yêu là thứ dịch bệnh như Ebola, ta cứ đóng cửa ở trong nhà trùm chăn kín mít mà vẫn bị mắc và lìa đời. Tôi kinh lắm!
Câu chuyện trong Sao thầy không mãi teen teen? tập trung nói về tình yêu của một nữ sinh lớp 11 tên là Ly Cún với thầy giáo dạy sử. Tại sao cô bé Ly Cún phải yêu thầy dạy sử mà không phải là toán, văn, địa lý chẳng hạn?
- Cô bé Ly Cún phải yêu thầy dạy sử. Thứ nhất, vì thầy dạy sử đẹp trai. Thứ hai, vì môn sử hấp dẫn và cực kỳ tươi trẻ. Cuối cùng, vì môn sử rất cô đơn. Hiện nay, có dư luận là người ta không thể làm cho trẻ con thích sử được nữa. Tại sao thế? Tại vì mọi người đều nhìn sử như nhìn một ông già cũ kỹ, cáu kỉnh, chán ngán, không có gì hấp dẫn, đến mức độ học thuộc lòng cũng tẻ nhạt. Thật ra, suy nghĩ đó hoàn toàn sai. Theo tôi, nếu có một cuộc thi hoa hậu về các môn học được diễn ra thì chắc chắn sử sẽ đạt vương miện. Nhưng tại sao bao nhiêu năm nay không vậy? Trước hết, vì nếu có cuộc thi như thế thì ban giám khảo cũng cực kỳ cũ kỹ. Tiếp đó, vì người ta không bao giờ dám cho sử mặc áo tắm hay chính xác hơn là mặc bikini. Vẻ đẹp đầy sức sống của sử bị che phủ bởi những bộ quần áo nhàu nát, chả hiểu may từ bao giờ.
Viết truyện về tuổi teen, tác giả có nhất thiết phải có tâm hồn teen không?
- Viết truyện ma, tác giả có thể không phải ma. Viết truyện hình sự, tác giả không cần giết người. Viết về phòng thuế, tác giả cũng không cần buôn lậu. Nhưng viết truyện teen, tác giả không có tâm hồn teen sẽ thất bại ngay từ trang đầu. Giả nai còn dễ hơn giả teen nhiều vì nai ăn cỏ, còn teen hôm nay "ăn" báo mạng (cười).
Rất nhiều người nói rằng học sinh trung học bây giờ không ngây thơ, nai tơ như những gì anh viết.
- Tôi phản đối kịch liệt. Dựa vào đâu mà nói rằng đó là điều không thực tế của teen? Dựa vào đâu để nói rằng teen hôm nay chỉ biết "lộ hàng", chỉ biết lên Facebook rình mò các ngôi sao và chỉ biết gào lên những bài hát bằng tiếng Anh? Hiểu như thế là coi thường teen, khinh teen và chả biết gì về teen.
Về cơ bản, teen luôn luôn mơ mộng nhưng vì cuộc sống và thái độ của người lớn, teen phải giấu sự mơ mộng đó đi. Teen chỉ trưng ra những nét xù xì cho người lớn khiếp vía, cho người lớn tránh xa để họ được yên. Lê Hoàng tin chắc như thế!
Lê Hoàng gây sốc giới văn chương
Người ta nói Lê Hoàng cay nghiệt khi đọc qua những bài anh từng viết về các sao hay các truyện châm biếm. Và giờ sẽ có một Lê Hoàng hoàn toàn khác trong Sao thầy không mãi teen teen? - ngây thơ, mơ mộng?
- Xin thề là tôi chỉ cay nghiệt cái mồm chứ bản chất tôi rất ngây thơ, dễ thương, nhút nhát, khờ khạo và dễ vỡ. Cho tới tận bây giờ, đi ngủ tôi vẫn ôm gấu bông trên đầu và đắp thỏ bông dưới chân. Tôi tin chắc rằng trong sách này, tôi không cay nghiệt cũng không cay độc. Tôi chỉ cay như thứ nước tương ngọt mà các nữ sinh vẫn luôn dùng chấm bò bía hoặc gỏi cuốn để ăn ở cổng trường.
Đọc truyện của anh xong, ai cũng hình dung ra một thầy giáo quá đẹp trai. Anh cũng... mê trai đẹp lắm mới vẽ nên hình tượng một trai đẹp như vậy?
- Tôi không những mê trai đẹp mà còn mê cả gái đẹp. Tôi mê cả nhà báo đẹp. Tôi chỉ không có cách nào mê bà già, ông già đẹp. Đã từ lâu, tôi tin chắc mình đẹp trai mặc dù hiểu rằng điều đó không đúng. Nhưng chính cái ảo tưởng này giúp tôi sống vui vẻ, tự tin đến các đám đông, đi với các diễn viên xinh đẹp mà không có chút tự ti nào. Đấy là một ảo tưởng điên rồ nhưng vô hại và xin mọi người hãy để cho tôi sống với sự vô hại đấy một cách ngớ ngẩn nhất. Có hại gì đâu!
Mở ra góc nhìn mới về dạy - học sử
Sao thầy không mãi teen teen? là tiểu thuyết đầu tay của đạo diễn Lê Hoàng. Sách do Công ty TNHH Sách Phương Nam phát hành, chính thức ra mắt vào giữa tháng 9-2014. Lần đầu tiên viết văn, lại viết về tình yêu tuổi học trò, Lê Hoàng gây ngạc nhiên vì giọng văn dễ thương, dí dỏm, hóm hỉnh đậm chất tuổi teen, khác hẳn với những bài viết có văn phong sâu cay, mỉa mai trước đây của anh.
Điểm thú vị nhất của tác phẩm không hẳn nằm ở câu chuyện tình yêu lãng mạn, mơ mộng của bé Ly Cún với thầy giáo dạy sử mà là việc Lê Hoàng đã mở ra một góc nhìn mới về môn sử, tình yêu sử, cách học sử. Nói như Lê Hoàng, nếu ai cũng nhìn sử như nhìn một ông già cũ kỹ, cáu kỉnh, chán ngán, không có gì hấp dẫn thì sau khi đọc truyện này, họ sẽ thấy sử vô cùng hấp dẫn và cực kỳ tươi trẻ. Đầu tiểu thuyết, Lê Hoàng ghi chú rằng tác phẩm sẽ giải thích cho người đọc 10 điều: Tại sao phải mặc bikini khi hẹn với con trai, tại sao không học bài mới được điểm 10 môn lịch sử, tại sao phải đi bar sau đó tiếp tục đi vũ trường, tại sao nên hớn hở khi hình mình bị tung lên mang?... Sau khi đọc tác phẩm này, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói lời cảm ơn tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét