Ngày 11/9, tại TP HCM diễn ra Lễ trao giải Sách Hay 2014. Gần 300 người tham dự một trong những sự kiện văn hóa đọc lớn nhất trong năm. Ban tổ chức trao 7 hạng mục giải thưởng. Nhìn chung, giải Sách hay năm nay thành công ở chỗ đã góp phần "hâm nóng" lại những tên sách quen thuộc, có giá trị. Tuy nhiên, chính vì thế, khi đi vào từng hạng mục, có thể thấy, mùa giải năm nay tiếp tục tồn tại các vấn đề nan giải.
Nhà văn Nguyên Ngọc tại Lễ trao giải Sách Hay 2014. |
Giải Sách Hay giới thiệu quá ít sách mới đến độc giả. Danh sách các tác phẩm được trao phần lớn là tác phẩm cũ, như: 7 thói quen để thành đạt, Bắt trẻ đồng xanh, Miền xanh thẳm, Người đi vắng, bộ sách Nhóc Nicolas... Điều này tạo nên cảm giác già cỗi cho giải thưởng tôn vinh văn hóa đọc. Ngoài ra, có những cuốn được ban tổ chức nhắc đến và trao giải nhưng không phải dễ để độc giả hôm nay có thể tìm mua. Vì chúng được xuất bản lâu và quá ít như: Văn hóa tộc người Việt Nam của Nguyễn Từ Chi, Lý luận giáo dục châu Âu: Từ Érasme tới Rousseau thế kỷ 16 -17 - 18 của Nguyễn Mạnh Tường)... Thậm chí, còn có những bộ sách xa xưa như: Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư của nhóm biên soạn Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thân vẫn được đưa vào danh sách đề cử.
Ngoài ra, nhìn vào danh sách tác phẩm đề cử có thể thấy, giải Sách Hay vẫn có nhiều yếu tố liên quan đến "người nhà". Cuốn Trò chuyện triết học nằm trong số 5 tác phẩm được đề cử xét giải hạng mục Giáo dục nhưng bị bác bỏ vì tác giả Bùi Văn Nam Sơn thuộc hội đồng chấm giải. Giáo sư Chu Hảo đứng tên trong hai hội đồng xét giải nhưng lại có nhiều sách của NXB Tri Thức (nơi ông làm giám đốc) vào ứng cử và được trao ba cuốn. Có ý kiến cho rằng, đành là sách của NXB Tri Thức khá chất lượng, nhưng nếu tự mình trao cho sách của mình thì khó mà tránh được dư luận xì xào "con hát mẹ khen hay".
Có những sách như: 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục (nhiều tác giả), Tinh thần khai minh - Diễn từ nhận Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh từ 2007 đến 2011 (nhiều tác giả) cũng nằm trong danh sách đề cử. Nhưng khó có thể xem đây là sách hay theo đúng nghĩa. Các sách này bên cạnh những diễn từ công phu, chất lượng, có nhiều bài viết theo kiểu cảm ơn, khách sáo. Đưa những sách này vào tranh giải có thể làm "tổn thương" các đầu sách đúng nghĩa khác.
Ngoài các vấn đề nói trên, chương trình trao giải năm nay vẫn có điều thú vị. Tại hạng mục Phát hiện mới, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã 94 tuổi được trao giải bên cạnh nhà nhà nghiên cứu Trần Quang Đức mới 29 tuổi.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (trái) phát biểu. |
Lên nhận giải, ông Nguyễn Đình Đầu đùa, ông theo chủ đề địa bạ, biển đảo cả cuộc đời mình, đến nay, chắc ban tổ chức thấy nay ông già quá mà còn in sách Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa nên thương hại mà trao giải. Theo tác giả, ấn phẩm này chẳng mấy người đọc, khó mà gọi là sách hay theo nghĩa thông thường.
Ngược lại, Trần Quang Đức kể, anh viết cuốn sách Ngàn năm áo mũ trong khoảng 3 năm, nhân việc người ta tranh luận nhiều về chuyện phim cổ trang Việt Nam ăn mặc giống Trung Quốc. "Với sách nghiên cứu mà bán được chừng 600-700 cuốn thì đã mừng, đằng này Ngàn năm áo mũ đã bán được 6000-7000 cuốn", tác giả trẻ chia sẻ.
Tại hạng mục sách viết dành cho Thiếu nhi, cuốn Miền xanh thẳm của nhà văn Trần Hoài Dương (1943-2011) được trao giải. Tác phẩm này viết về thời trẻ nhỏ trong khi đi sơ tán chiến tranh tại miền Bắc. Cùng nhận giải Sách Hay với tác phẩm này là bộ Nhóc Nicolas, do Trác Phong và Hương Lan. Bộ sách đề cập đến xã hội Pháp sau Thế chiến thứ hai, khi mọi điều bắt đầu tái thiết, trẻ em không cần né tránh bom đan chiến tranh.
Về độ tuổi dịch giả tại mùa giải năm nay, lớn nhất có lẽ là cố dịch giả Phùng Khánh (1938-2003), người dịch Bắt trẻ đồng xanh của J. D. Salinger (Thanh Hiên xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn năm 1967). Tiểu thuyết ngập tràn tiếng chửi thề và văng tục này lại được một ni sư chuyển ngữ xuất thần, vì Phùng Khánh là tục danh của Thích Nữ Trí Hải, người đã chuyển dịch, biên soạn, in ấn cả trăm tác phẩm và kinh điển.
Trong khi với dịch giả Trí Vương (sinh 1990) thì Quốc gia khởi nghiệp là bản dịch đầu tiên. Vương hồn nhiên chia sẻ: "Tôi vô tình dịch cuốn sách bán quá chạy, nên được mọi người để ý thôi". Trí Vương chính là cây bút thơ Đỗ Trí Vương, người từng có tập thơ Thức ăn của ngày hôm nay, viết năm 16 tuổi, xuất bản năm 18 tuổi, vào chung khảo giải thơ Bách Việt năm 2009.
Dịch giả trẻ Đỗ Trí Vương (trái). |
Buổi lễ trao giải còn thu hút người tham dự với các phát ngôn gây ấn tượng. Trong bài phát biểu của mình, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung nói: "Giáo dục Việt Nam hoàn toàn không lạc hậu, mà chỉ là lạc đường mà thôi... Cho nên, Việt Nam muốn làm cách mạng giáo dục thì phải trải qua 3 bước chính: 1) từ lạc đường trở về lạc hậu; 2) từ lạc hậu trở thành tiên tiến; 3) từ tiên tiến trở thành tiên phong".
Còn chuyên gia lĩnh vực quản trị Bùi Văn thì nói, sở dĩ, ông chọn Báo cáo kinh tế vĩ mô: Cải cách thể chế, chìa khóa cho tái cơ cấu của Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (MAG) trao giải tại hạng mục Kinh tế, là vì: "nó đã nói thật về nền kinh tế chưa thoát khỏi vùng trũng suy giảm... Không như nhiều mỹ từ "hàng đầu", "bậc nhất" mà chúng ta hay nghe, thực ra nền kinh tế chúng ta vẫn đang đối diện với quá nhiều rủi ro. Nền kinh tế suy giảm liên tục từ năm 2008, năm ấy lạm phát lên đến 28%, cao nhất thế giới. Năm 2013, tổng đầu tư là thấp nhất từ năm 2000 đến nay".
Nhà văn Nguyên Ngọc thì chia sẻ: "Chọn được tiểu thuyết Người đi vắng của Nguyễn Bình Phương để trao giải đã cho chúng ta thấy rằng văn chương Việt Nam vẫn còn có thể hy vọng".
Kết quả Sách hay 2014 1. Nghiên cứu: - Sách viết: Văn hóa tộc người Việt Nam, tác giả Nguyễn Từ Chi - Sách dịch: Bốn tiểu luận về tự do, dịch giả Nguyễn Văn Trọng 2. Giáo dục: - Sách viết: Lý luận giáo dục châu Âu: Từ Érasme tới Rousseau thế kỷ 16-18, Nguyễn Mạnh Tường - Sách dịch: Nghĩa vụ học thuật, dịch giả Hoàng Kháng, Tô Diệu Lan, Cao Lê Thanh Hải 3. Kinh tế: - Sách viết: Báo cáo Kinh tế vĩ mô: Cải cách thể chế, chìa khóa cho tái cơ cấu, Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (MAG) - Sách dịch: Quốc gia khởi nghiệp, dịch giả Trí Vương 4. Quản trị: - Sách viết: (không có) - Sách dịch: 7 thói quen để thành đạt, dịch giả Vũ Tiến Phúc 5. Thiếu nhi: - Sách viết: Miền xanh thẳm, Trần Hoài Dương - Sách dịch: Bộ sách Nhóc Nicolas, dịch giả Trác Phong, Hương Lan 6. Văn học: - Sách viết: Người đi vắng, Nguyễn Bình Phương - Sách dịch: Bắt trẻ đồng xanh, dịch giả Phùng Khánh 7. Phát hiện mới - Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa, Nguyễn Đình Đầu - Ngàn năm áo mũ, Trần Quang Đức |
Như Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét